Saturday, July 5, 2014

Đánh hội đồng', Nhật Bản không ngán!




“Quyền phòng vệ tập thể” có thể hiểu đơn giản hơn là Nhật Bản sẽ tham gia “đánh hội đồng” cùng Mỹ và các đồng minh khác.
Bước đi lịch sử
Từ nay, lệnh cấm quân đội nước này thực thi quyền "phòng vệ tập thể" hay hậu thuẫn nước bạn trong trường hợp bị tấn công đã được xóa bỏ. quyết định này cũng cho phép nới lỏng những hạn chế trong các hoạt động triển khai quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc lãnh đạo và trong các vụ đụng độ bất ngờ có nguy cơ chuyển thành chiến tranh thực sự.Ngày 1/7, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã có bước đi lịch sử khi nhất trí dỡ bỏ rào cản pháp lý ngăn cản quân đội nước này tham chiến ở bên ngoài kể từ sau Thế chiến II. Quyết định này được coi là thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng kể từ khi Nhật Bản thiết lập lực lượng phòng vệ thời hậu chiến 60 năm trước đây.
Theo nghị quyết, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở mức tối thiểu cần thiết trong trường hợp một nước mà Nhật Bản có quan hệ gần gũi bị tấn công và khi có các điều kiện như sau: có sự đe dọa tới sự tồn tại của nước Nhật, có mối nguy cơ rõ ràng phá hoại quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân, và khi không có lựa chọn khác phù hợp.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về quyết định trên của chính phủ Nhật Bản, trong đó có không ít ý kiến đánh giá động thái này đang đặt ông Abe, thậm chí cả nước Nhật phải đối mặt với rủi ro về chiến lược.
Quyết định gây chia rẽ
Trong khi tác động từ quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản đối với an ninh khu vực chưa thực sự rõ ràng thì điều đầu tiên dễ nhận thấy là những tranh cãi bùng phát. Những tranh cãi này đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Nhật khi mà có tới 50% số người được hỏi phản đối. Tỷ lệ ủng hộ chỉ đạt 34%.
*Biểu tình phản đối thay đổi chính sách an ninh, quốc phòng tại Nhật Bản
Tiến sỹ John Swenson Wright, Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng với cách diễn giải mới, Nhật Bản đang đoạn tuyệt với sự đồng thuận chính trị mà họ có được sau Thế chiến II. Sự đồng thuận đó được thể hiện rõ nét tại điều 9 Hiến pháp Nhật, trong đó giới hạn việc Nhật Bản sử dụng lực lượng vũ trang ngoài mục tiêu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và tính mạng người dân.
Theo đánh giá của tiến sỹ Wright, chính lựa chọn này đã giúp nước Nhật vươn lên sau chiến tranh để khẳng định sức mạnh của mình bằng tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Trong bối cảnh các chính đảng chủ chốt ở Nhật Bản vẫn còn yếu và chia rẽ, thì phong trào phản đối những điều chỉnh về an ninh, quốc phòng có cơ hội bùng phát và lan rộng. Những chỉ trích từ phía dư luận xã hội có thể khiến uy tín của Chính phủ Nhật Bản suy yếu, đặc biệt là trong kỳ bầu cử vào mùa Xuân năm 2015.
Ngay trong ngày 1/7, hàng trăm người biểu tình đã diễu hành gần văn phòng của Thủ tướng Abe, giơ những biểu ngữ và hô lớn "Không hủy bỏ Điều 9" (từ bỏ quyền khai chiến) và "Chúng tôi phản đối chiến tranh".
Misa Machimura, một sinh viên đại học 21 tuổi, nói: "Tôi phản đối quyền phòng vệ tập thể, nhưng quan trọng hơn, tôi phản đối cách ông Abe đang tìm cách thúc đẩy việc sửa đổi này". Trước đó, ngày 29/6, một người đàn ông ở Tokyo đã tự thiêu, một hình thức phản đối hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản, sau khi nói rằng ông phản đối cách giải thích lại Điều 9 của ông Abe.
Cáo đội lốt cừu
Cùng với những rủi ro ở trong nước, Nhật Bản còn đối mặt với những rủi ro khác, đặc biệt là quan hệ trong khu vực. Theo đó, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có nguy cơ xuống dốc trong khi căng thẳng chính trị và tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc sẽ leo thang.
Bước đi đầy quyết đoán của chính phủ Nhật Bản ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ Mỹ và các đồng minh. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi việc diễn giải Hiến pháp theo hướng mới sẽ mở ra nhiều cơ hội để Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Philippines. Hiện cả Mỹ và các đồng minh khu vực đều tỏ ra lo ngại trước chính sách ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
*Quyết định của chính phủ Nhật Bản đang gây ra những phản ứng trái chiều
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Washington đã theo dõi sát và quan tâm sâu sắc tới những thay đổi mới trong chính sách an ninh và quốc phòng của Tokyo. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đánh giá đây là một bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa Washington và Tokyo. Theo ông này, chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, với tư cách là một đối tác an ninh của Mỹ, cũng như một quốc gia có tiếng nói quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel coi đây là một bước đi nhằm nâng cao vị thế của Tokyo trong đảm bảo hòa bình, an ninh tại khu vực cũng như trên toàn cầu. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh chính sách an ninh mới của Nhật Bản cho phép các lực lượng phòng vệ nước này có thể tham gia tác chiến trong phạm vi rộng lớn hơn, đồng thời giúp cho liên minh quân sự Mỹ - Nhật hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của Hàn Quốc và Trung Quốc thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Cả hai quốc gia láng giềng này của Nhật Bản đều lo ngại rằng sự điều chỉnh sẽ mở đường cho chính phủ Nhật Bản tự do triển khai quân ở bất cứ cuộc xung đột nào.
Trung Quốc đã chỉ trích việc Nhật Bản nới lỏng các rào cản pháp lý về quyền phòng vệ tập thể và cho rằng hành động này đe dọa tới an ninh châu Á. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc bình luận rằng “chính quyền Nhật Bản đang âm mưu phá vỡ trật tự và các hệ thống thời hậu chiến”, coi hành động của chính phủ do Thủ tướng Abe đứng đầu là "một tín hiệu nguy hiểm, một tiếng chuông cảnh tỉnh".
*Binh sĩ Nhật Bản
Bài bình luận bằng tiếng Anh của Tân Hoa Xã còn tỏ ra cứng rắn hơn khi nói rằng “Cho dù ông Abe bưng bít nó bằng cách nào đi chăng nữa, thì ông ta cũng đang đùa cợt với bóng ma chiến tranh với một mưu đồ tầm thường song phải trả giá đắt bằng phẩm giá không chỉ của ông ta mà còn của toàn thể đất nước Nhật Bản".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 1/7 kêu gọi Nhật Bản tôn trọng lợi ích của các nước láng giềng, đồng thời cần tránh các hành động có thể đe dọa sự ổn định của khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Hàn Quốc cũng bày tỏ thái độ không hài lòng với quyết định của Nhật Bản và cho rằng đây là một thay đổi nghiêm trọng trong chính sách hòa bình, đồng thời kêu gọi Tokyo "từ bỏ chủ nghĩa xét lại lịch sử".
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Seoul ngày 1/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nếu chưa được yêu cầu hay đồng ý, nước này sẽ không chấp nhận việc Nhật Bản triển khai quyền phòng vệ tập thể, đồng thời hối thúc Tokyo đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il nói: “Chính sách của Nhật Bản phải được phát triển theo hướng không làm tổn hại đến hoà bình và ổn định trong khu vực, mặt khác vẫn giữ được tinh thần của bản hiến pháp hoà bình đã được duy trì trong suốt 60 năm qua”
Richard Samuels, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá động thái mới của Nhật Bản khiến cho các đối thủ dễ dàng hơn khi vẽ chân dung Nhật Bản giống như “con sói đội lốt cừu”.
Phản bác từ Tokyo
Trước phản ứng có phần tiêu cực từ các nước láng giềng, chính phủ Nhật Bản đã bác bỏ những quan ngại và lên tiếng trấn an. Chính phủ Nhật Bản khẳng định rằng nước này sẽ chỉ tham dự những hoạt động liên quan đến phòng thủ tập thể nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Bản thân ông Abe cũng nói rõ rằng lực lượng Nhật Bản sẽ không tham chiến ở những cuộc chiến tranh như Iraq.
Phát biểu ngày 1/7 của Thủ tướng Abe có đoạn: "Chúng tôi không bao giờ muốn khơi lại những ký ức kinh hoàng thời chiến. Những ám ảnh về bóng ma chiến tranh vẫn luôn hiện hữu dù cuộc chiến đã kết thúc cách đây 70 năm. Nhật Bản sẽ không bao giờ bước chân vào chiến tranh một lần nữa".
*Tàu chiến của Nhật Bản
Xét từ góc độ của Nhật Bản, nước này hoàn toàn có lý khi nới rộng khuôn khổ nhằm nâng cấp quân đội của mình.
Kể từ thất bại năm 1945, quân đội Nhật chưa hề tham chiến. Mặc dù các chính phủ kế tiếp nhau đã nới rộng các giới hạn trong điều khoản hòa bình để phát triển lực lượng quân đội hiện đã tương đương với quân đội Pháp và cho phép thực thi các nghĩa vụ phi chiến đấu ở nước ngoài, song lực lượng vũ trang Nhật Bản vẫn bị hạn chế hơn rất nhiều so với quân đội các nước khác.
Trong khi đó, bối cảnh khu vực đang có nhiều biến động khó lường. Những người ủng hộ quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có cơ sở khi đánh giá Điều 9 bản Hiến pháp đã hạn chế quá mức khả năng phòng vệ của Nhật Bản. Trong bối cảnh sự cân bằng quyền lực trong khu vực đang thay đổi, bao gồm sự lớn mạnh của Trung Quốc, các chính sách an ninh của Nhật Bản phải linh hoạt hơn.
Việc chuyển quân đội Nhật Bản từ mục tiêu trọng tâm là phòng thủ sang hướng có thể tấn công sẽ là đòn răn đe hiệu quả đối với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và bất chấp dư luận. Thực tế thì phản ứng có phần thái quá từ Bắc Kinh đã làm bộc lộ bản chất “không mấy tốt đẹp” của người Trung Quốc.
Nếu không có ý đồ với Nhật Bản và các nước trong khu vực, nếu chỉ phát triển quân đội vì mục tiêu phòng thủ, nếu không nuôi mộng bá quyền…thì tại sao Trung Quốc phải la làng trước một quân đội Nhật Bản đang được tháo bỏ bớt xiềng xích về mặt pháp lý.
*Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam ngày 2/5 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bằng chứng không thể chối cãi về sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc
Những kịch bản về quyền phòng vệ tập thể mà đích thân ông Abe nêu ra cho thấy Trung Quốc chính là đối tượng đầu tiên được nhắm tới.
Kịch bản đầu tiên là sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa nhằm vào Mỹ.
Kịch bản thứ hai là triển khai Lực lượng Phòng vệ Trên biển (JPSDF) của Nhật Bản nếu như một tàu Mỹ bị tấn công ở các vùng biển xa.
Kịch bản thứ ba là sử dụng Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cho một cuộc phản công nếu một phái bộ có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia nước ngoài tấn công tại lãnh thổ của nước ngoài.
Kịch bản thứ tư là sử dụng vũ lực để loại bỏ những trở ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thủ tướng Shinzo Abe đã so sánh quyết định của nội các nước này nới lỏng rào cản pháp lý ngăn cản quân đội Nhật Bản tham chiến ở bên ngoài giống với cuộc Cách mạng Minh Trị vào năm 1868, sự kiện chấm dứt 2 thế kỷ bế quan tỏa cảng và khai sinh ra nước Nhật ngày nay. Sự thay đổi chính sách của người Nhật là có lý do và chắc chắn họ đã tính tới điều thiệt hơn khi đưa ra quyết định mang tính lịch sử này.
Đông Tây

Nick Lý Đức Hùng & HậnCộngSảnVìCôngLý
Nhóm Yểm Trợ Tự Do Ngôn Luận - Freespeech4vietnam

No comments:

Post a Comment