Những
lời hạch tội nối tiếp trút lên đầu tên “tội phạm chiến tranh” Bob
Kerrey làm tôi nghĩ đến câu chuyện trong sách Phúc Âm: “Chỉ những ai
trong các ngươi là người trắng tội mới được phép ném viên đá đầu tiên.”[1]
Đó
là câu chuyện về cách xử trí sáng suốt và cao cả của Jesus Christ khi
ngài bị những giáo sĩ Pharisee bắt bí trước đám đông, ép phải áp dụng
hình phạt tàn khốc với một phụ nữ phạm tội ngoại tình.[2] Năm
mười mấy tuổi, lần đầu đọc câu chuyện đó, tôi thấm thía đến mức bần
thần cả người để rồi, suốt mấy chục năm sau đó, lại e dè kiêng kỵ, không
muốn chạm đến câu chuyện đó. “Ném đá”, trong từng ấy thời gian, luôn
hiện diện trong danh sách những ngôn từ sáo rỗng cần tránh né của tôi
bởi nó đã bị lạm dụng quá nhiều, lạm dụng đến mức nhảm nhí, bầy hầy. Bất
cứ lúc nào, từ một người mẫu hạng A đến một tài tử hạng B hay ca sĩ
hạng C, D, X, Y, Z, những kẻ hành nghề trình diễn luôn sợ đời quên lãng
này cũng có thể mượn câu chuyện ấy để kịch tính hoá những va chạm tủn
mủn trong đời tư hay nghề nghiệp của mình. Những ý nghĩa cao cả trong
lời Chúa, vô hình trung, đã bị những nạn nhân tự phong mang ra trây như
một thủ đoạn ăn vạ, cho phép họ đặt mình vào vị trí phải được Chúa bảo
vệ và, do đó, phải được đối xử như là kẻ đứng ở phía của lẽ phải.
Nhưng
thủ đoạn bắt vạ này lại là điều thấp thoáng ẩn hiện trong câu chuyện
liên quan đến ông Kerrey. Lên tiếng như là những công tố viên, những đấu
tố viên kia đã chiếm luôn vị thế của một thứ nạn nhân độc quyền. Chỉ
những kẻ hèn, ác và phi nghĩa mới sát hại ông già, phụ nữ và trẻ em. Mà
cựu đối thủ của họ từng tàn nhẫn ra tay với ông già, phụ nữ và trẻ em.
Họ là bản sao ngược của kẻ thù và, do đó, lẽ phải phải thuộc về họ. Vừa
có tư thế nạn nhân, vừa có lẽ phải trong tay, họ phải có quyền ngã giá
và đặt để điều kiện.
Tôi
không có ý bênh vực ông Kerrry. Tôi cũng không tranh luận với những
“công tố viên”. Nhưng tôi đòi hỏi một sự sòng phẳng và công bằng – sòng
phẳng và công bằng với chính những ông già, phụ nữ và trẻ em bị sát hại
ấy. Đành rằng những nạn nhân đáng thương ấy đã bị toán quân của ông
Kerrey bắn chết, nhưng ai mới là kẻ đã đẩy họ vào vị trí phải hứng chịu
lằn đạn?
Hãy
tưởng tượng cảnh Lê Văn Tám lao vào kho xăng. Bây giờ thì chỉ có bọn
đui và bọn điếc – đui điếc tận trong óc trong tim – mới không biết rằng
chú bé ấy là một sản phẩm tuyên truyền, nhưng thôi, để tiện, cứ tạm thời
tưởng tượng. Hãy tưởng tượng tình thế của người lính gác kho, anh ta sẽ
phản ứng như thế nào nếu thấy Tám ôm mồi lửa xông vào? Không bắn, anh
ta và những đồng đội khác sẽ bị thiêu huỷ trong biển lửa. Mà bắn, anh ta
sẽ bị nguyền rủa như là một tội phạm đốn mạt. Thật là khó cho anh ta
quá. Mà cũng khó cho những người lính khác, vốn được huấn luyện bài bản
theo chiến tranh quy ước nhưng bị sa lầy trong một cuộc chiến hoàn toàn
phi quy ước. Thật là khó bởi nếu Lê Văn Tám chỉ là một nhân vật không
thật thì còn có muôn vàn em bé có thật khác sẵn sàng noi gương Lê Văn
Tám, như những Kpa Klơng hay “Cu Theo Nguyễn Văn Hoà”, chẳng hạn. Kpa
Klơng, theo tài liệu tuyên truyền, mới 13 tuổi đã dùng tên tẩm thuốc độc
hạ sát ba địch quân và, hai năm sau, chỉ mới 15 tuổi, đã lập công với
88 mạng người.[3] “Cu Theo”,
cũng theo sách vở tuyên truyền, chỉ mới 12 tuổi đã bắn chết ba lính Mỹ
và, gớm thay, sau khi đối phương gục ngã, cảm thấy chưa chắc ăn, cậu bé
lẽ ra còn ở tuổi chỉ biết nhảy lò cò và bắt chuồn chuồn này đã phóng ra
chĩa súng bắn bồi, liền mấy phát đạn.[4] Nếu
Kpa Klơng hay “Cu Theo” là những “Lê Văn Tám” thành công thì còn có bao
nhiêu em bé “không thành công” khác, đã vùi thây đâu đó như những cái
chết không tên trong những nấm mồ hoang lạnh.
Chiến
tranh là một cuộc đấu khốc liệt và dứt khoát, ở đó chỉ có một trong hai
chọn lựa là phải sống, bằng không thì sẽ chết. Đó là nơi mà lằn ranh
mong manh giữa sinh và tử phải được định đoạt ngay từ những sát na đầu
tiên. Lao vào một cuộc chiến nghĩa là chấp nhận một xác suất thật cao
của việc bị bắn chết và như thế vấn đề ở đây là những kẻ đã nhẫn tâm đẩy
những trẻ em ở lứa tuổi đi học vào cuộc chơi khốc liệt này.
Giết
chết một đứa trẻ còn đang tuổi đi học là một tội ác. Nhưng dựng lên một
hình tượng giả tạo như Lê Văn Tám để xúi giục những đứa trẻ khác lao
vào chỗ chết để được tâng bốc là anh hùng cũng là một tội ác. Khi một
người lính bắn chết một đứa bé thì đó, chủ yếu, là tội ác của cá nhân
anh ta. Nhưng khi một bộ máy quyền lực sử dụng cả một lớp lang tuyên
truyền để xúi giục hàng hàng lớp lớp trẻ em lao vào chỗ chết thì đó lại
là một tội ác tập thể, thứ tội ác có hệ thống, tội ác có chủ trương,
đường lối.
Ông
Kerrey đã phạm tội giết trẻ em và phụ nữ tại Bến Tre. Nhưng Bến Tre,
ngoài danh hiệu là đất “đồng khởi”, còn lừng danh là đất của “đội quân
tóc dài”, quê hương của phó tư lệnh Nguyễn Thị Định và bao nhiêu “nữ anh
hùng” khác. Chỉ cần mở trang web chính thức của chính quyền tỉnh Bến
Tre sẽ nhận ra những khuôn mặt “nữ anh hùng” như thế, thậm chí những “nữ
anh hùng” từ tuổi 13 như Phan Thị Hồng Châu, bằng ấy tuổi đã là một
“chiến sĩ trinh sát vũ trang trực tiếp chiến đấu” và, đến năm 21 tuổi,
sau 17 trận đánh, đã là “anh hùng lực lượng vũ trang” sau khi “tiêu diệt
và làm bị thương 174 tên địch”. Rồi những “anh hùng” như Đoàn Thị E,
như Tạ Thị Kiều và biết bao nhiêu bé gái cùng phụ nữ cầm súng với thành
tích thấp hơn? Quả là không gì mỉa mai bằng. Một mặt thì tự hào rằng Bến
Tre là đất của những nữ anh hùng, nữ anh hùng giết giặc từ tuổi 13,
giết như ngoé, giết không hề gớm tay. Một mặt thì lại đau đớn vật vã với
một thảm cảnh chiến tranh ở đó “giặc” đã nhẫn tâm hạ sát cả trẻ em, phụ
nữ và ông già.[5]
Nếu
phải kiểm toán sòng phẳng tội ác của một người lính chuyên nghiệp như
Bob Kerrey thì phải kiểm toán cho sòng phẳng cái môi trường xung đột
mệnh danh là “thế trận của nhân dân” hay “chiến tranh nhân dân” ấy. Tiến
hành một cuộc chiến nhân dân có nghĩa là bắt toàn bộ nhân dân – từ
những trẻ em, phụ nữ đến người già – phải lăn xả vào cuộc chiến. Nếu ông
Kerrey phạm tội giết trẻ em thì cái hệ thống chính trị đã chấp nhận
những cô bé chỉ mới 13 tuổi làm “trinh sát vũ trang trực tiếp chiến đấu”
có thể nào phủi tay như kẻ vô can? Ông Kerrey là một quân nhân Mỹ, ông
ta đến chiến trường Việt Nam, lúng túng trong cái ranh giới cực kỳ mỏng
manh giữa một “địch quân” với một đứa trẻ, một phụ nữ hay một ông già,
ông ta đã bắn chết hàng loạt người Việt Nam. Còn cái hệ thống chính trị
ấy? Cái hệ thống đã sử dụng chính nhân dân của mình như là cái lá chắn
hay cái bẫy với những ranh giới mù mịt ấy thì sao?
Giết
một đứa trẻ là một tội ác đáng tởm. Nhưng, cũng như những tên khủng bố
ISIS đang làm tại Fallujah trong những ngày qua, việc nấp sau lưng những
đứa trẻ hay bà mẹ để theo đuổi chiến tranh cũng đáng tởm không kém.[6] Nói như nhà văn Nguyên Ngọc khi bàn về câu chuyện của ông Kerrey và lý do phải tha thứ ông Kerrey: “Còn
riêng đối với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những người từng là lính
Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp” trong nhân dân
vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính
tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng
chết để che cho chúng tôi? Hoá ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi...” [7]
Nhưng
cuộc chiến ấy đâu chỉ đơn giản như thế, đâu chỉ có những em bé và bà mẹ
sẵn sàng chết? Phải tính đến những ông già, phụ nữ và trẻ em không hề
sẵn sàng nhưng đã bị đẩy vào chỗ chết nữa chứ?
Bấy giờ có tôi trong ngôi trường cũ
Viên phấn trên tay kẻ đậm đề bài
Chẳng cần gọi tên từng người trong sổ
Lớp học từ nay không vắng một ai
(“Bấy giờ”, Trần Đình Quân)
Tôi
nhớ rất rõ lời hát ấy, vì ước mơ hoà bình của người thầy-nhạc sĩ ấy
cũng chính là trải nghiệm chiến tranh của tôi, ngay từ trong lớp học,
như một học sinh tiểu học, khi lớp học ấy ngày một vắng dần. Hoả tiễn
hay đại pháo 130 ly từ đâu đó trên núi vu vơ bắn về, lớp học vắng dần.
Quả mìn phát nổ đâu đó bên con đường ngoại ô, chiếc xe đò bị xé toang
ra, lật ngửa, tanh banh, lớp học cũng vắng dần. Những lớp học vắng dần
và từ những cái tang nhỏ nhỏ như thế cho đến những cái tang lớn hơn, như
cái tang của Huế trong Tết Mậu Thân. Nhiều người đã lên tiếng về cái
tang của Huế và sự lên tiếng chỉ xuất phát từ một phía, còn lại chỉ là
sự ngậm miệng đến lỳ lợm của một phía. Nhưng cuộc “Tổng tấn công và nổi
dậy” năm đó vẫn còn có rất nhiều thân phận nạn nhân khác chưa hề nhận
được một lời tiếng nào từ cả hai phía. Tôi có không ít thân nhân từng
“bám trụ” trong vùng “giải phóng” thời chiến, những nông dân chất phác
đã hăm hở tham gia “tổng nổi dậy” theo lời tuyên truyền hấp dẫn và chắc
nịch rằng “giải phóng trong tầm tay”, rằng bộ đội chính quy đã làm tất
cả, chỉ có chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng, cái chiến thắng đầy
hứa hẹn tại các vùng thị tứ ê hề chiến lợi phẩm. Nhưng tuyên truyền là
tuyên truyền, chiến thắng và chiến lợi phẩm đâu không thấy, chỉ thấy
chớp lửa loé lên từ những ụ trung liên và đại liên phòng ngự, chỉ thấy
những thân người đổ gục, những cánh tay cánh chân đứt lìa ngổn ngang,
trộn lẫn với những đòn bánh tét và xâu bánh ú mang theo làm thực phẩm đi
đường. Những kẻ đang chì chiết về tội ác của ông Kerrey với con số nạn
nhân đếm được có dành một góc nhỏ nào trong tim cho những nạn nhân không
thể đếm hết này?
Những
lời hạch tội ấy bùng nổ sau tuyên bố về Đại học Fullbright trong chuyến
đi của ông Barrack Obama tại Việt Nam. Ông Obama đến như một cuộc đầu
tư chiến lược mà người Việt Nam thì chào đón y như ngày hội. Trường
Fullbright ra mắt, hứa hẹn bao nhiêu là cơ hội nhưng cũng tiềm tàng bao
nhiêu là thách thức với viễn ảnh của một đại học tự trị có quyền tự do
học thuật tuyệt đối, hoàn toàn bất khả xâm phạm. Thách thức thì tất phải
dẫn đến những lo xa và sợ hãi. Nhưng vận hội mà Fullbright sẽ mở cùng
không khí hội hè thấp thoáng sự sùng bái cá nhân với ông Obama lại khiến
những bóng mờ bên lề chạnh lòng, bực bội.
Bực mình chẳng muốn nói ra / Muốn đi ăn giỗ, chẳng ma nào mời.
Khó mà kết luận rằng những công tố viên trong “vụ án Kerrey” này đều là
những kẻ “bực mình”, nhưng khi một người như bà Tôn Nữ Thị Ninh, một
trong những kẻ hạch tội chì chiết nhất, đay nghiến nhất, tuyên bố sẵn
sàng gặp ông Kerrey để “trao đổi về những việc góp phần thúc đẩy quan hệ
Mỹ-Việt vì lợi ích nhân dân hai nước”, bà ta đã, vô hình trung, bộc lộ
cái tâm lý tự xem mình là một nhân vật quan trọng, phải nằm trong trung
tâm sự chú ý, phải được tham vấn, phải có ý kiến trong những chuyển biến
quan trọng, nghĩa là phải được mời mọc.[8]
Có
thể bà cựu Phó Ban Đối Ngoại Quốc Hội này lỡ miệng, không tầm thường
đến độ phẫn nộ chỉ vì không được mời mọc, thế nhưng, khó mà tin rằng,
xuyên suốt những gì đã làm, bà ta đã thể hiện một tấm lòng cao cả, vì
dân, vì nước. Quan hệ Việt-Mỹ đã đạt tới mức cao nhất như có thể thẩy
trong chuyến đi của ông Obama, đâu phải phiền đến một viên chức đã về
hưu và sắp bị đời quên lãng như bà ta “góp phần thúc đẩy”? Mà đâu chỉ có
mỗi một cái làng biển ở Thạnh Phong của 47 năm trước? Tại sao, tại sao
trong suốt những năm qua, bà ta hoàn toàn dửng dưng, câm như hến trước
những tội ác vẫn dồn dập đổ lên đầu ngư dân tại bao nhiêu là làng chài
dọc theo bờ biển miền Trung?
Bây
giờ thì nguồn sống tại đó đã bị cắt đứt và những lớp học tại các vùng
biển ấy sẽ vắng dần, đội quân bán vé số và đánh giày hay thậm chí ăn xin
tại Sài Gòn hay Hà Nội rồi sẽ tăng dần còn bà ta thì, lại, cũng câm như
hến. Ai có thể tin vào tấm lòng của kẻ hoàn toàn dửng dưng, hoàn toàn
câm miệng trước thảm hoạ đang đổ ập lên đầu 85 triệu người nhưng lại
chăm chăm soi mói cái chết của 21 người gần nửa thế kỷ trước? Giết 21
người già, phụ nữ và trẻ em trong một cuộc hành quân ban đêm là một tội
ác nhưng những gì hiện đang diễn ra ngay giữa ban ngày trên đường phố Hà
Nội và Sài Gòn cũng là một tội ác. Ai có thể tin được vào “lẽ phải” của
kẻ hoàn toàn vô cảm, không biểu lộ chút cảm xúc nào trước ánh mắt thất
thần của cháu bé bên dưới khuôn mặt rướm máu của mẹ khi những ngọn dùi
cui trên tay kẻ cầm quyền giáng xuống?
Trước
khi kiểm toán quá khứ của ông Kerrey thì phải tự kiểm toán chính mình,
trước nhân dân của mình, một cách sòng phẳng. Sòng phẳng với quá khứ,
sòng phẳng với hiện tại và sòng phẳng với cả tương lai. Nếu thế hệ tương
lai cần một sự sòng phẳng với những món nợ và hệ lụy lâu dài sẽ đổ dập
lên đầu mình thì hiện tại đòi hỏi sự sòng phẳng với những tai ương đang
đối mặt. Thiếu sòng phẳng với quá khứ đã đành nhưng lẽ nào lại tiếp tục
phụ hoạ cho những trò điếm nhục đang banh nát hiện tại và tương lai của
đất nước trong đó có chính mình và con cháu của mình?
Hãy
tỉnh lại, hỡi những “công tố viên” đang chì chiết và đay nghiến về
những tội ác của ông Bob Kerrey. Đất nước đang đứng trước những chọn lựa
sinh tử và xã hội cần có một cuộc tranh luận nghiêm túc về những giải
pháp thực sự hiệu nghiệm cho sự sống còn của dân tộc. Bên cạnh những trò
bầy hầy của đám dư luận viên bắt buộc phải hành nghề vì thiếu ăn và
thiếu học, chẳng lẽ cuộc tranh luận này còn bị trây ra với một đám dư
luận viên thừa ăn và thừa học? Vô tình hay cố ý, thèm đi ăn giỗ hay
không thèm, cái trò nấp vào tội ác trong quá khứ của một cựu chiến binh
Mỹ đang cố gắng chứng tỏ thiện chí, để gây lên một cuộc tranh luận giả
tạo, nhằm bắt vạ hay, tệ hơn, nhằm pha loãng và đánh lạc hướng sự chú ý
của công chúng trước những mối nguy cực kỳ to lớn của đất nước thì không
chỉ là hèn mà còn tệ hơn là phản động.
Tệ
hơn, vì nếu “hèn” chỉ là nhân cách của từng cá nhân, thì “phản động”
lại là sự thụt lùi trong chọn lựa, sự chọn lựa không chỉ riêng cho họ mà
ảnh hưởng đến cả mấy chục triệu đồng bào của họ, trong đó có chính cha
mẹ, anh em, con cháu và chắt chít của họ!
Nguyễn Hoàng Văn
9.6.2016
No comments:
Post a Comment